Lốp xe ô tô bị phồng là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
Lốp xe ô tô bị phồng có thể dẫn tới nổ lốp, gây nguy hiểm cho người và phương tiện trong quá trình tham gia giao thông, đặc biệt khi di chuyển ở vận tốc cao. Có nhiều nguyên nhân khiến lốp phồng, việc phát hiện sớm dấu hiệu và có hướng khắc phục kịp thời giúp người dùng đảm bảo an toàn khi di chuyển đồng thời tăng tuổi thọ cho ô tô.
Là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với mặt đường, nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của ô tô, lốp xe ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành như hỗ trợ quá trình phanh, bám đường, đánh lái,... Vì thế, đây là chi tiết nhanh chóng hao mòn, thường xuyên phải đối diện với những hư hỏng như rạn, đặc biệt là phồng.
Thông thường khi lốp xe ô tô bị phồng người dùng sẽ cảm nhận được sự rung lắc, mất cân bằng khi di chuyển. Ngoài ra, ô tô cũng phát ra tiếng ồn khó chịu, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới động cơ nếu không được kiểm tra, sửa chữa, thay mới kịp thời.
1. Dấu hiệu nhận biết lốp xe ô tô bị phồng
Lốp bị phồng là tình trạng xuất hiện những khối phồng với kích thước khác nhau giống như bong bóng tại vị trí các thành bên của lốp. Thực chất, những bong bóng này chứa không khí bên trong và rất dễ quan sát bằng mắt thường. Theo thời gian, khối không khí này sẽ tích tụ với mật độ dày đặc, tạo các vết lồi lõm bất thường dọc theo thành lốp.
Ngoài quan sát bằng mắt thường, người dùng có thể dựa vào cảm giác lái để biết tình trạng của lốp. Theo đó, nếu xe xuất hiện tình trạng rung lắc, tiếng ồn hoặc những bất thường khi xe di chuyển qua ổ gà, đường gồ ghề thì khả năng cao lốp xe đã bị phồng. Nếu xuất hiện những dấu hiệu này, chủ xe nên kiểm tra lốp sớm và chủ động có phương án khắc phục phù hợp để đảm bảo an toàn khi vận hành phương tiện.
2. Nguyên nhân lốp xe ô tô bị phồng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lốp bị phồng, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do bong bóng hình thành ở hai bên thành lốp dẫn tới rò rỉ không khí. Với các kích thước bong bóng khác nhau, lượng không khí sẽ thoát ra ngoài từ từ. Theo thời gian, những bong bóng tăng về kích thước và dễ dàng nhận thấy hơn.
Khi ra khỏi lớp lót bên trong, không khí bị rò rỉ sẽ đi ra các lớp bên ngoài. Lúc này, không khí được tích tụ tại thành bên - vị trí cao su có khả năng bị mòn và yếu đi nhiều hơn những khu vực khác. Thành bên được hiểu là mặt nhẵn giữa gai lốp và vành bánh xe của lốp. Chi tiết này vốn được làm bằng cao su, dễ bị mòn và phồng lên nếu bị tác động của ngoại cảnh do mỏng hơn mặt lốp và không có bất kỳ sự gia cố nào hỗ trợ.
Ngoài ra, việc gây rò rỉ không khí trong lốp có thể đến từ tác động va đập. Điều này khiến lốp bị chèn ép giữa bánh xe và mặt đường dẫn tới bị phồng. Tình trạng này sẽ gia tăng nếu:
-
Xe di chuyển qua các vực xây dựng hoặc đường có gờ giảm tốc: mật độ không khí tại điểm va chạm sẽ bị nén lại khiến lốp vượt quá giới hạn chịu đựng, dẫn đến bị phồng.
-
Xe di chuyển trên đường có đá dăm, mảnh vỡ của chai lọ thủy tinh hoặc bất kỳ loại vật liệu nào có cạnh sắc có thể làm tổn thương lốp xe bên trong.
-
Di chuyển trong tình trạng lốp xẹp hơi: Khi lốp quá non, trọng lượng của cả xe sẽ phải đè nén lên hai thành lốp, lâu dài sẽ làm cho lốp bị phồng hai bên.
-
Người lái sơ ý, đánh ô tô vào dải phân cách giữa đường.
-
Vận chuyển quá nặng so với sức chịu đựng của lốp: Khi phương tiện phải chở quá tải sẽ tạo ra áp lực lớn khiến kết cấu chịu lực của xe yếu đi, dẫn đến hiện tượng phồng lốp.
-
Tiếp tục di chuyển trong tình trạng lốp mòn hoặc có dấu hiệu bất thường: Thường xuyên tiếp xúc với mặt đường nên lốp có thời hạn sử dụng nhất định. Sau một thời gian sử dụng độ đàn hồi của lốp giảm đáng kể, dẫn tới khả năng bị phồng.
-
Di chuyển phương tiện qua ổ gà với tốc độ cao: Điều này sẽ tạo ma sát lớn với mặt đường, dẫn đến giảm tuổi thọ của lốp.
-
Lỗi sản xuất: Bong bóng lốp cũng có thể hình thành do lỗi từ nhà sản xuất. Mặc dù xác suất xảy ra trường hợp này rất thấp nhưng chủ phương tiện cũng nên kiểm tra lốp kỹ càng khi nhận xe để đảm bảo an toàn.
3. Cách khắc phục ô tô bị phồng lốp
Lốp xe ô tô bị phồng luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm, trong đó nghiêm trọng nhất là nổ lốp. Do đó, trong trường hợp đang lưu thông trên đường mà phát hiện lốp bị phồng, người lái cần điều khiển xe ở tốc độ vừa phải, hạn chế các tình huống tránh va chạm với chướng ngại vật hoặc vật cản. Người dùng cũng nên đưa xe đến các trung tâm, sửa chữa và bảo dưỡng để khắc phục lỗi sớm nhất có thể.
Không giống như khi lốp xe bị xẹp, lốp có bong bóng ở thành bên không thể vá được. Nguyên nhân là do thành bên được thiết kế không có bất kỳ dây gia cố nào nên không tạo được chỗ bám cho miếng dán vá xe. Trong tình huống này, chủ phương tiện chỉ còn cách thay lốp mới để tránh tình trạng lốp cũ có thể nổ bất cứ lúc nào.
4. Kinh nghiệm giúp hạn chế lốp ô tô bị phồng
Lốp xe ô tô bị phồng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đánh lái, ô tô dễ bị trượt gây nguy hiểm cho người sử dụng. Tuy nhiên, người dùng phương tiện có thể hạn chế tình trạng lốp phồng bằng những cách sau:
-
Bảo dưỡng xe định kỳ
Việc bảo dưỡng xe, đặc biệt là lốp để sớm ngăn chặn bong bóng khí hình thành. Theo đó, sau 5 năm hoặc trên 5 năm, người dùng phải tiến hành kiểm tra lốp ít nhất 1 lần/năm. Mỗi loại lốp sẽ có hạn sử dụng khác nhau. Một số nhà sản xuất có thời hạn bảo hành lên tới 130.000 km hoặc hơn tùy vào loại xe. Một số loại lốp khác được chế tạo để chạy khoảng 50.000 km hoặc ít hơn. Ngoài ra, người dùng nên bảo dưỡng ở gara, trung tâm sửa chữa uy tín để được kiểm tra, đánh giá chính xác tình trạng của lốp.
-
Thận trọng khi di chuyển trên đường gồ ghề
Hạn chế di chuyển qua địa hình có nhiều ổ gà hoặc đi nhanh qua đường có gờ giảm tốc. Điều này sẽ giảm tình trạng hình thành bong bóng trong lốp xe.
-
Có thói quen lái tốt
Người lái cần giữ để phương tiện chuyển động theo hướng khi xoay vô lăng và đỗ ô tô đúng cách, tránh va vào những khu vực có cạnh sắc như lề đường, vỉa hè hoặc các dải phân cách.
-
Hạn chế đỗ xe ô tô quá lâu dưới trời nắng
Nhiệt độ có ảnh hưởng lớn đến lốp xe. Theo đó, nhiệt độ càng cao thì áp suất lốp cũng tăng lên. Các nhà khoa học chỉ ra rằng nhiệt độ tăng thêm 10 độ thì áp suất lốp tăng 1PSI. Chỉ cần PSI tăng thêm một vào đơn vị cũng có thể khiến lốp xe bị nổ, phồng, ảnh hưởng đến hiệu quả phanh của phương tiện.
-
Không bơm lốp xe quá căng
Người dùng chỉ bơm vừa đủ để hạn chế tình trạng lốp biến dạng khi vận hành. Đặc biệt, nhà sản xuất khuyến cáo chủ xe nên kiểm tra áp suất lốp định kỳ 14 ngày/lần/4 bánh và cả bánh dự phòng hoặc sau khi đi đường trường.
Đặc biệt, người dùng chỉ kiểm tra khi lốp đã nguội hẳn để có con số kiểm tra áp suất chính xác nhất. Thông thường, nếu thời tiết thay đổi nóng/lạnh thì áp suất lốp sẽ tăng/giảm từ 1-2 psi cho mỗi 5-6 độ C.
Việc kiểm tra lốp thường xuyên là bảo bối giúp phương tiện di chuyển an toàn trên mọi địa hình. Bất kỳ hư hỏng nào của lốp xe đều tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Vì vậy, một khi phát hiện lốp xe ô tô bị phồng hoặc những hư hỏng khác, người dùng cần đưa xe tới trung tâm bảo dưỡng uy tín để kiểm tra và tiến hành sửa chữa sớm nhất có thể. Hiện nay, các xưởng dịch vụ VinFast đều được trang bị đầy đủ máy móc kỹ thuật theo tiêu chuẩn châu Âu, cho phép bảo dưỡng, sửa chữa những lỗi thường gặp trên lốp hiệu quả và an toàn.